Người Già Bán Vé Số Tại Sài Gòn: Những Phận Người Bị Bỏ Quên



Ở Phú Yên, cứ khoảng 11 người cao tuổi thì có 3 người nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, có gần 6.700 người cao tuổi khuyết tật. Trong đó, chỉ có 42% số người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp các loại (gồm cả lương hưu, chính sách ưu đãi người có công hay chỉ vỏn vẹn trợ cấp xã hội hàng tháng).
"Khổ lắm cô ơi. Đi bán trời nắng muốn té xỉu luôn vậy. Bữa nào cũng 12 giờ đêm mới về, có bữa một hai giờ sáng, bốn giờ sáng cũng bán luôn. Chớ không bán hết lấy tiền đâu mà ăn"-các ông cụ, bà cụ trong ngôi nhà vé số kể.
Ngồi trên một tảng xi măng vỡ trên lề con đường nhỏ chạy dọc con kênh quận 8, chú Lê Văn Sử, 70 tuổi (hộ khẩu ở thôn Phước Hòa, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) kể trước kia chú làm ruộng ở quê, "cũng đàng hoàng lắm chớ. Sau già rồi không còn sức mà ở không thì không có tiền, mới học người ta vô bán. Ban đầu không biết bán, đi rạc cẳng cả ngày bán được có mấy tờ, ban đêm về nằm không muốn khóc mà sao nước mắt nó cứ chảy. Nghĩ mình sao phải làm nghề này, đi năn nỉ người ta mua từng tờ vé số... Riết rồi nó quen đi, mình nghĩ nó cũng là nghề chính đáng, cháu ạ."
Ông Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở Lao động thương binh xã hội Phú Yên cho biết chưa thống kê được số người Phú Yên đi bán vé số ở Sài Gòn, nhưng có một con số nho nhỏ: tính riêng xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, toàn xã có 55 người thuộc 42 hộ đi bán.
Rất tiếc con số này chưa làm rõ độ tuổi của người bán vé số, nhưng có một "bí mật" mà những người bán vé số tiết lộ với chúng tôi. Đó là càng lớn tuổi thì... càng dễ bán. Nếu chưa lớn tuổi lắm thì để râu cho dài ra, "người ta nghĩ mình già cả, thấy tội nghiệp mới mua vé số. Có khi người ta không mua mà cho tiền, có khi người ta trả tiền xong lại cho lại tờ vé đó."
Cũng có nhiều người vào Sài Gòn làm thầu, cai, hưởng hoa hồng trên tổng số tiền bán vé số của nhiều người và có cuộc sống khá thoải mái, thậm chí sung túc. Chúng tôi đã đến nhiều ngôi nhà vé số khác cũng nằm trong địa bàn quận 1 và được chính những người chủ thừa nhận điều này.
Dẫu có nhiều khía cạnh khắc nghiệt và oái oăm về thế giới của những người già bán vé số thì vẫn có thực tế không thể chối bỏ là công việc này đã giúp rất nhiều người già sống qua nhiều năm cuối đời một cách tự chủ và đủ đầy hơn.
Theo thống kê cuối năm 2016 của ngành Lao động thương binh xã hội tỉnh Phú Yên, toàn tỉnh có gần 97.000 người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên), trong đó có hơn 26.000 người thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, chiếm 27% (3.000 người cao tuổi cô đơn không nơi nương tựa). Tức cứ khoảng 11 người cao tuổi thì có 3 người nghèo và cận nghèo. Ngoài ra, có gần 6.700 người cao tuổi khuyết tật.
Trong đó, chỉ có 42% số người cao tuổi đang được hưởng trợ cấp các loại (gồm cả lương hưu, chính sách ưu đãi người có công hay chỉ vỏn vẹn trợ cấp xã hội hàng tháng). Số còn lại sống phụ thuộc vào con cái hoặc tự lao động để sống.
Đầu tháng 6/2017, UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt đề án giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn cũng nhắc đến thực trạng người cao tuổi không nơi nương tựa đã đi ăn xin lang thang trên đường phố.
Ông Trần Thanh Bình giải thích: "Người cao tuổi sống trên địa bàn nông thôn Phú Yên chủ yếu làm lao động chân tay, đi biển hoặc đồng áng nặng nhọc. Những việc này người tuổi cao sức yếu không làm được. Tuy nhiên họ không muốn là gánh nặng cho con cháu vì vẫn có thể làm việc phù hợp và muốn tham gia lao động để tạo ra thu nhập cho gia đình. Ngoài ra hạn hán và mưa lũ kéo dài trong những năm qua trên địa bàn tỉnh ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cây trồng vật nuôi, giá cả đầu tư ngày càng tăng trong khi giá thành bán ra lỗ vốn, cho nên nhiều người đành bỏ đi tỉnh khác kiếm sống."
Điều ông Bình nói cũng phù hợp với khảo sát năm 2013 về thực trạng việc làm, đời sống của lao động nông thôn di cư ra thành thị và khu công nghiệp của Cục Việc làm (Bộ Lao động, thương binh và xã hội). Khảo sát này cho biết thất nghiệp, thiếu việc làm và việc làm có thu nhập thấp là đặc điểm phổ biến của tình trạng việc làm của người lao động trước thời điểm di cư.
Chi tiết hơn, ông Lê Công Chánh, trưởng thôn Phú Liên (xã An Phú, tỉnh Phú Yên) nêu những con số cụ thể: trung bình một nhân khẩu ở xã An Phú được chia một sào ruộng (sào miền Trung 500 m2). Ruộng ở đây thường mỗi năm chỉ làm được một vụ do thiếu nước trời, thu hoạch được khoảng 200 kg lúa/sào, có ruộng được 300 kg lúa. Chi phí phân thuốc hết một nửa, cộng với  công thuê máy cắt hết 1/4, tổng cộng 3/4, số lúa được chỉ còn khoảng 1/4 tức 50 ký lúa. Thường mỗi gia đình sẽ gom ruộng lại, bình quân một người làm được 5 sào, tức chỉ thu được 250 kg lúa, xay ra được 125 kg gạo.
"Số gạo này chỉ đủ làm lương thực để ăn chứ để nuôi con đi học thì không thể nổi" - ông Chánh nói.
Nếu làm hai mùa lúa/năm thì chi phí thuê máy bơm tưới tăng cao, tính ra số thóc thu lại cũng chẳng còn bao nhiêu.
Những lao động trẻ hơn, khoảng từ 30 tuổi trở lại có thể làm thêm rau màu, trồng bầu bí dưa leo đậu xanh...  Nhưng theo ông Chánh, trước đây khoảng ba bốn năm rau màu còn được giá, bây giờ cứ được mùa thì giá lại rớt nên khoản này cũng không ăn thua lắm.
Một công việc khác là làm thuê cho các công ty ở gần như bóc vỏ đầu tôm, làm hạt điều, làm sạch cá xuất khẩu, công cũng khá, được khoảng 150.000 -200.000 đ/ngày. Tuy nhiên đây là công việc thời vụ, lúc có lúc không nên cũng không cải thiện được thu nhập.
"Thành ra người dân cũng phải bỏ đi nữa, tìm đến nơi xa hơn (để làm thuê).
Có vài nhà khá nhất, cho con đi học lên ở các địa phương xa thì những người này cũng tìm việc rồi ở lại đó luôn vì trở về địa phương cũng không có công ăn việc làm đáp ứng được nhu cầu của mình, cũng không về giúp ích cho địa phương được".
"Tính ra bán vé số thu nhập gấp năm bảy lần làm nông ở địa phương đó chớ!" - ông Chánh khẳng định.
Theo điều tra của Tổng cục Thống kê năm 2014, cả nước có hơn một triệu người thất nghiệp; trong đó khu vực nông thôn gần 500.000 người (con số năm 2014). Độ tuổi được khảo sát: nam 15-59 tuổi và nữ 15-54 tuổi. Mối liên quan giữa việc con cái túng thiếu và cha mẹ già yếu vẫn phải tự nuôi thân-hoặc, bị bỏ quên hẳn- hiện ra rất rõ.
Trừ vài người như anh Non con ông Sáu Mù, Cường con của ông Long, còn hầu hết con cái của các ông bà cụ vé số đều nói họ vẫn hết sức cần khoản thu nhập mà cha mẹ họ mang về từ việc đi bán vé số, để giúp trang trải gia đình. Trả nợ tiền xây nhà, nuôi vợ bệnh con bệnh, hay để dành cho những ngày già yếu hơn phải hoàn toàn phụ thuộc vào con cái.
Ông/bà đã đi bán vé số từ bao giờ và sẽ đi bán vé số đến bao giờ?-Chúng tôi đặt câu hỏi này với bất cứ người bán vé số nào trong độ tuổi trên 60 chúng tôi gặp.
Cho câu hỏi thứ nhất, các con số dao động từ một, hai đến mười mấy năm. Cho câu hỏi thứ hai, câu trả lời thống nhất đến đáng ngạc nhiên: "Ai biết được. Chừng nào già đi không nổi nữa thì nghỉ."
- Năm nay bà bao nhiêu tuổi?
- 82 tuổi.
Nói rồi bà Chín Lùn bịt miệng cười. Như vừa nhận ra mình lỡ miệng!
Dù thừa nhận đi bán đến khuya rất mệt mỏi, nhưng ông Lê Văn Sử cũng khẳng định khi nào bước đi hết nổi thì mới nghỉ. "Lúc đó thì có nhà nước lo, xã hội lo, chứ không lẽ ai bỏ mình chết đói sao con"-ông cười rất giòn, nhưng trong tiếng cười như có vài phần chua chát.
Ông Sử năm nay 70 tuổi. Nghĩa là để được nhận trợ cấp 270.000 đ/tháng, ông phải chờ đúng 10 năm nữa, vì khoản trợ cấp này chỉ dành cho người từ 80 tuổi trở lên. Nếu dưới độ tuổi này thì phải chứng minh là nghèo và không có nơi nương tựa.
Theo báo cáo "Một số vấn đề cơ bản về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2011-2020" của Viện Gia đình và giới (Viện khoa học xã hội Việt Nam),  hiện Việt Nam có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi, chiếm 11% dân số, trong đó có khoảng 2 triệu người từ 80 tuổi trở lên.
Nhưng theo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội trong cả nước còn rất thấp.
Số đối tượng được trợ cấp xã hội thường xuyên chỉ chiếm khoảng 1, 23% dân số, là mức rất thấp so với nhiều nước trong cả khu vực (khoảng 2,5%-3%). Mức chuẩn để tính mức trợ cấp cũng rất thấp, chỉ bằng 32,5% so với chuẩn nghèo và chưa bảo đảm được mức sống tối thiểu của một số lượng lớn đối tượng.
Ngay cả về đời sống tinh thần, hiện có 13% các cụ gặp trắc trở, 60% thấy bình thường và chỉ 20% cảm thấy thoải mái về tinh thần. Ngoài ra, khoảng 95% người cao tuổi chịu gánh nặng về bệnh tật kép, chủ yếu là mạn tính (theo bà Phạm Tuyết Nhung – Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam).
Nhưng, đối tượng của nghiên cứu đó - những người già đi bán vé số chúng tôi gặp khi thực hiện bài viết này - đều không nghĩ ngợi nhiều về lý do tại sao mình lại vất vả như vậy.
Những con số, cảnh báo, đề xuất về chính sách phúc lợi xã hội cho người cao tuổi khi dân số Việt Nam đang nhanh chóng đi đến giai đoạn già hóa... rất cao xa với bà Hai Hường, bà Lê, bà Lựu, bà Hai Bắc, ông Sâu điếc, ông Sáu mù, bà Chín Lùn, ông Long, ông Tiếng...
Quê hương Phú Yên trải đầy hoa vàng trên mênh mông triền cỏ dại xanh biếc. Nhưng hoa vàng không bỏ vào nồi nấu lên ăn được. Người xứ khác đổ về Phú Yên trầm trồ vẻ đẹp thiên nhiên, còn những cụ già Phú Yên đêm ngày nghĩ đến Sài Gòn như thiên đường cứu rỗi.
Như những bàn tay chắp lại thành kính hướng về bất cứ ngôi chùa nào trên đường đi bán vé số, việc làm sao để từng ngày đều bán hết tập vé số đã hút lấy toàn bộ thời gian và tâm trí của họ. Họ coi cuộc đời vất vả của mình chính là số phận, được mất đều là may rủi, không nghĩ ngợi khác hơn, không đòi hỏi, không tủi buồn. Động lực và niềm vui lớn nhất là sau vài tháng lang thang khắp thành thị xa hoa, mang được vài chục ký gạo và mấy thùng mì về quê, cho được cháu chắt ít ngàn ăn quà vặt, hưởng ít ngày thảnh thơi bên gia đình. Rồi lại ra đi.
Cho đến khi không thể nào cất bàn chân lên được nữa.
Tái Bút: Khi loạt phóng sự này đang ở vào giai đoạn hậu kỳ, đầu tháng 8/2017, chúng tôi quay trở lại ngôi nhà vé số. Ông Hồ Long đã chuyển qua một ngôi nhà khác do sức khỏe quá yếu, buộc phải ngồi xe lăn, nhưng ngôi nhà cũ không có ai “dư” ra để đẩy xe lăn cho ông. Ông Sáu Mù đã về quê nghỉ ngơi dưỡng sức.
Bà Hai Hường, bà Chín Lùn cùng những bà cụ khác vẫn đang nghỉ ở quê, khoảng một tuần nữa lại trở vô Sài Gòn tiếp tục bán vé số.
Theo kenh14.vn

Comments

Popular posts from this blog

Tuyển tập dẫn chứng nghị luận xã hội phần 2 tư tưởng đạo lý

Thất nghiệp, nổi ám ảnh của sinh viên và sự thất vọng của cha, mẹ.

[TUT] Hướng dẫn viết CHROME EXTENSION