Năng Lực Nhà Lãnh Đạo: Để Có Tư Duy Phản Biện



Những phần việc thuộc về công tác lãnh đạo thường thấy nhất và cũng hữu dụng nhất thường xuất phát từ những ai dám thách thức lề thói thông thường, tự thu thập thông tin từ tất cả các kênh, tự mình hoặc cùng người khác thiết lập một đường lối, hoài bão để hành động, đồng thời tạo ra chiến lược để biến hoài bão đó thành hiện thực. Những nhân viên giỏi, không chỉ đơn thuần làm công việc thừa hành mà ưa thích phản biện thường xuất hiện ở đội ngũ quản lý cấp trung và là những nhà lãnh đạo trong tương lai.
Tư duy phản biện là khả năng suy nghĩ một cách rõ ràng và hợp lý, là một trong những kỹ năng quan trọng quyết định bạn có thành công hay không. Người có kỹ năng tư duy phản biện thường: Nhận ra sự liên quan và kết nối logic giữa những ý tưởng; Xác định, xây dựng và đánh giá các lập luận; Phát hiện các mâu thuẫn và sai lầm phổ biến trong lập luận; Giải quyết vấn đề một cách hệ thống…
Tư duy phản biện không phải là tích lũy thông tin và ghi nhớ. Một người với trí nhớ tốt và hiểu biết nhiều không có nghĩa giỏi tư duy phản biện. Người có tư duy phản biện có thể suy luận những hệ quả từ những gì mình biết. Họ biết cách sử dụng thông tin để giải quyết vấn đề và tìm kiếm thêm các nguồn tin liên quan hữu ích.
Mặc dù các kỹ năng của tư duy phản biện có thể được sử dụng trong việc bác bỏ những ngụy biện và lập luận xấu. Nhưng không nên hiểu tư duy phản biện là tranh cãi hay phê phán người khác. Tư duy phản biện đóng vai trò quan trọng trong lập luận mang tính xây dựng. Nó giúp bạn có thêm kiến thức và thúc đẩy những tranh luận. Với tư duy phản biện, bạn có thể đẩy mạnh tiến trình công việc và nâng cao vị thế xã hội.

Để có tư duy phản biện

1. Thu thập thông tin, xác định vấn đề mà bạn đang cố gắng giải quyết. Phải chắc chắn rằng bạn nhìn vấn đề một cách cởi mở, khách quan (bao gồm cả thông tin hỗ trợ và mâu thuẫn với lập trường của bạn) và đặt sang một bên những thành kiến của bạn để thực hiện một quyết định thông minh không thiên vị. Thay vì hỏi: "Điều này mâu thuẫn với điều mà tôi tin tưởng như thế nào?" hãy hỏi rằng: "Điều này có nghĩa là gì?"
2. Xây dựng giả thuyết, phác thảo và động não những giải pháp khác có thể. Vạch ra những ưu khuyết điểm của mỗi giải pháp, từ đó mở ra những ý tưởng mới.
3. Bạn cần phân tích tất cả các dữ kiện thu thập và phân tích từng phần của vấn đề. Đừng thừa nhận bất cứ điều gì. Hãy nhìn vào sự thật khách quan để xem xét nguồn gốc của thông tin và hiện trạng của nó.
4. Đánh giá thông tin. Đặt câu hỏi cho mỗi câu trả lời mà bạn tìm thấy. Hãy chắc chắn rằng những nguồn tin là đáng tin cậy. Tư duy phản biện không chắc đã dẫn đến một kết luận chính xác. Thứ nhất là vì không ai có thế có toàn bộ thông tin chính xác. Thật vậy, những tin tức quan trọng thưòng được bảo mật rất cẩn thận và có rất nhiều thông tin còn chưa được khám phá hết. Bên cạnh đó, thành kiến có thể ngăn chặn sự thành công của việc tập trung, phân tích, đánh giá và truyền đạt thông tin. Bạn phải thấy được những định kiến của người cung cấp thông tin.
5. Xác định một kết luận hợp lý dựa trên tất cả các dữ kiện. Đặt câu hỏi để phân tích kết luận và đưa ra quyết định. Từ tốn lắng nghe ý kiến của người khác trước khi đưa ra quan điểm của mình. Nói cách khác là làm đúng quy trình tư duy phản biện
6. Hãy chắc chắn rằng những cơ sở lập luận của bạn là hợp lý và không thừa nhận bất cứ điều gì không có bằng chứng. Khi thu nhận được một thông tin, điều cần trước tiên là hiểu rõ nội dung thông tin đó, về ai, về điều gì, liên quan đến những vấn đề gì, lĩnh vực nào. Tiếp theo, dựa trên những cơ sở khoa học và lôgic, đặt ra các câu hỏi như : Tại sao lại khẳng định là A mà không phải là B, trong khi B cũng có các khả năng như A. Nếu là B thì khi đó sẽ có kết quả là B1, kết quả này có giống kết quả A1 của khả năng A không. Nếu có giống thì sẽ rút ra kết luận như thế nào, và nếu không giống thì lý do là ở đâu...
Tư duy phản biện không chỉ đơn thuần là sự tiếp nhận và duy trì thông tin một cách thụ động. Tư duy phản biện là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề. Lập luận phản biện phải rõ ràng, lôgíc, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm để xác định lại tính chính xác của thông tin và tìm lập luận phản bác lại kết quả của một quá trình tư duy khác. Có rất nhiều cách dùng hữu ích và tích cực của Tư duy phản biện, chẳng hạn như tìm một giải pháp khả thi cho một vấn đề cá nhân phức tạp; cân nhắc, thảo luận kỹ với tư cách một nhóm người về những hành động nên tiến hành; hay phân tích những giả định và chất lượng của những phương pháp dùng để đạt tới mức độ tin cậy hợp lý về một giả thuyết cho trước nào đó …. Trong mọi thuật ngữ chung nhất, tư duy phản biện được diễn tả là “một cách để đưa ra mọi vấn đề của cuộc sống”. Tư duy phản biện vận dụng không chỉ  tri thức về logic mà còn những tiêu chí trí tuệ khác như sự rõ ràng, đáng tin cậy, sự xác đáng, sự sâu sắc, tính thiết thực, chiều sâu và tầm rộng, cũng như sự quan yếu và tính công bằng. Tư duy phản biện là một nhân tố quan trọng của tất cả mọi lãnh vực nghề nghiệp chuyên môn và mọi chuyên ngành khoa học. Tư duy phản biện là kỹ năng tư duy cần có để trở thành một người có trình độ hay một người có khả năng lãnh đạo.
Theo hieuhoc.com 

Comments

Popular posts from this blog

Tuyển tập dẫn chứng nghị luận xã hội phần 2 tư tưởng đạo lý

Thất nghiệp, nổi ám ảnh của sinh viên và sự thất vọng của cha, mẹ.

[TUT] Hướng dẫn viết CHROME EXTENSION